Lịch sử Quốc_kỳ_Nhật_Bản

Trước 1900

Hạm đội Kuki Yoshitaka vào năm 1594.Chiến hạm Asahi Maru của Mạc phủ Tokugawa vào năm 1856.Cờ Nhật Bản (1870-1999).

Nguồn gốc chính xác của Hinomaru đến nay vẫn chưa được biết rõ,[9] song biểu tượng mặt trời mọc có ý nghĩa tượng trưng đã có kể từ đầu thế kỷ 7 (quần đảo Nhật Bản nằm về phía đông lục địa châu Á, do đó là nơi mặt trời "mọc"). Năm 607, một quốc thư bắt đầu bằng "nhật xuất xứ thiên tử" (thiên tử xứ mặt trời mọc) được gửi cho Tùy Dạng Đế.[10] Nhật Bản thường được gọi là "xứ mặt trời mọc".[11] Trong Bình gia vật ngữ (平家物語) từ thế kỷ 12 có chép rằng những samurai có những hình vẽ mặt trời trên quạt của họ.[12] Một truyền thuyết về quốc kỳ liên quan vị hòa thượng Nichiren (日蓮: Nhật Liên) của đạo Phật. Truyền thuyết nói rằng, khi quân Mông Cổ xâm lược Nhật Bản vào thế kỷ 13, vị hòa thượng đã trao một hiệu kỳ mặt trời cho Tướng quân để đem ra chiến trường.[13] Mặt trời cũng có liên hệ chặt chẽ với hoàng thất, do truyền thuyết kể rằng các thiên hoàng là hậu duệ của nữ thần Amaterasu.[14][15]

Một trong những hiệu kỳ cổ nhất của Nhật Bản nằm tại đền Unpō thuộc tỉnh Yamanashi. Theo truyền thuyết thì Thiên hoàng Go-Reizei đã trao cho Minamoto no Yoshimitsu và được xem là một bảo vật của gia tộc Takeda trong suốt 1.000 năm,[16] và hiệu kỳ đã có ít nhất 1.600 năm tuổi.

Các hiệu kỳ được ghi nhận xuất hiện sớm nhất tại Nhật Bản có niên đại từ Thời kỳ Azuchi-Momoyama vào cuối thế kỷ 16. Mỗi daimyō có hiệu kỳ riêng và được sử dụng chủ yếu trên chiến trường. Hầu hết hiệu kỳ là các dải dài thường mang mon (gia văn) của daimyō. Các thành viên trong cùng một gia tộc cũng có hiệu kỳ khác nhau để mang ra chiến trường. Các tướng lĩnh cũng có hiệu kỳ riêng của mình, hầu hết trong số đó khác biệt với hiệu kỳ của binh sĩ vốn có hình vuông.[17]

Năm 1854, vào thời Mạc phủ Tokugawa, các thuyền của Nhật Bản được lệnh kéo Hinomaru nhằm phân biệt chúng với thuyền của ngoại quốc.[12] Trước đó, các kiểu khác nhau của Hinomaru được sử dụng trên những thuyền giao dịch với người Mỹ và người Nga.[9] Hinomaru được quy định là hiệu kỳ thương mại của Nhật Bản vào năm 1870 và là quốc kỳ theo pháp luật từ năm 1870 đến năm 1885, đây là quốc kỳ đầu tiên được Nhật Bản thông qua.[18][19]

Mặc dù khái niệm biểu tượng quốc gia còn xa lạ với người Nhật Bản, song chính phủ Minh Trị cần chúng để giao thiệp với thế giới bên ngoài. Điều này trở nên quan trọng sau khi Phó đề đốc Hoa Kỳ Matthew C. Perry đổ bộ lên vịnh Yokohama.[20] Chính phủ Minh Trị còn quy định thêm những biểu tượng nhận dạng cho Nhật Bản, trong đó có quốc ca Kimigayo và quốc huy.[21] Năm 1885, toàn bộ các luật trước đó không được ban hành trong Công báo chính thức của Nhật Bản đều bị bãi bỏ.[22] Do quy định này, Hinomaru là quốc kỳ trên thực tế do không có pháp luật nào quy định về nó sau Minh Trị Duy tân.[23]

Những xung đột ban đầu và Chiến tranh Thái Bình Dương

Hình ảnh những năm 1930 của một điểm tuyển sinh quân sự. Cờ được treo trên ngôi nhà và cầm trên tay của một số trẻ em.Áp phích tuyên truyền xúc tiến hòa hợp giữa người Nhật, người Hánngười Mãn. Dòng chữ Hán từ phải sang trái là "Nhật, Hoa, Mãn hiệp trợ thiên hạ thái bình".

Việc sử dụng quốc kỳ tăng lên khi Nhật Bản mưu cầu mở rộng đế quốc, Hinomaru hiện diện tại các lễ kỷ niệm sau những chiến thắng trong Chiến tranh Thanh-NhậtChiến tranh Nga-Nhật. Quốc kỳ cũng được sử dụng trong những nỗ lực chiến tranh trên toàn quốc.[24] Một bộ phim tuyên truyền của Nhật Bản trong năm 1934 phác hoạ những quốc kỳ ngoại quốc là có thiết kế không hoàn chỉnh và có khuyết điểm, còn quốc kỳ Nhật Bản thì hoàn toàn hoàn hảo.[25] Năm 1937, một nhóm thiếu nữ từ tỉnh Hiroshima thể hiện tình đoàn kết với những binh sĩ Nhật Bản chiến đấu tại Trung Quốc trong Chiến tranh Trung-Nhật bằng cách ăn "bữa cơm quốc kỳ" gồm có umeboshi. Hinomaru bento trở thành biểu tượng chính trong việc động viên và đoàn kết chiến tranh của Nhật Bản đối với binh lính, kéo dài cho đến thập niên 1940.[26]

Hinomaru lại được sử dụng trong các lễ kỷ niệm khi Nhật Bản giành được thắng lợi trong Chiến tranh Trung-Nhật. Mọi người Nhật đều cầm quốc kỳ trong các dịp lễ.[24]

Sách giáo khoa trong thời kỳ này cũng in Hinomaru cùng những khẩu hiệu khác, nhằm biểu đạt lòng trung thành với Thiên hoàng và quốc gia. Lòng ái quốc được dạy như một đức tính cho thiếu nhi Nhật Bản. Những biểu hiện của lòng ái quốc, như trưng quốc kỳ hoặc kính bái Thiên hoàng thường nhật, đều là một phần của một "người Nhật tốt."[27]

Quốc kỳ là một công cụ của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản tại các khu vực Đông Nam Á bị chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai: người dân các nước bị chiếm đóng phải sử dụng quốc kỳ Nhật Bản,[28] và học sinh phải hát Kimigayo trong lễ thượng kỳ vào buổi sáng.[29] Các lá cờ địa phương được phép sử dụng tại một số khu vực như Philippines, IndonesiaMãn Châu Quốc.[30][31][32] Trong một số thuộc địa như Triều Tiên, Hinomaru và những biểu tượng khác được sử dụng nhằm giáng người Triều Tiên xuống vị thế hạng hai trong đế quốc.[33]

Đối với người Nhật, Hinomaru là "lá cờ Mặt trời mọc sẽ thắp sáng bóng tối trên toàn thế giới."[34] Đối với người phương Tây, đó là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của quân đội Nhật Bản.[35]

Thời kỳ Hoa Kỳ chiếm đóng

Hinomaru bị hạ xuống tại Seoul, Triều Tiên, vào ngày 9 tháng 9 năm 1945, thời điểm Nhật Bản đã đầu hàng.

Hinomaru là quốc kỳ Nhật Bản trên thực tế trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai và trong thời kỳ bị chiếm đóng.[23] Trong thời gian Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản sau chiến tranh, cần phải có sự chấp thuận từ Tư lệnh Tối cao của Đồng Minh tại Nhật Bản thì mới được treo Hinomaru.[36][37] Nhiều nguồn khác nhau chỉ nói đến mức độ sử dụng Hinomaru là hạn chế; một số nguồn sử dụng thuật ngữ "bị cấm".[38][39] Ban đầu có những hạn chế nghiêm ngặt về việc treo Hinomaru, song không đến mức độ cấm hoàn toàn.[23]

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các thuyền dân sự của Nhật Bản sử dụng một thuyền kỳ do Hoa Kỳ cấp.[40] Thuyền kỳ này được sửa đổi từ mã dấu hiệu E, được sử dụng từ tháng 9 năm 1945 đến khi thời kỳ chiếm đóng kết thúc.[41] Thuyền của Hoa Kỳ hoạt động tại vùng biển Nhật Bản sử dụng hiệu kỳ dấu hiệu "O" sửa đổi làm thuyền kỳ.[42]

Ngày 2 tháng 5 năm 1947, Tướng Douglas MacArthur bãi bỏ việc cấm treo Hinomaru trong khuôn viên Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản, Hoàng cung Tokyo, dinh Thủ tướng và Tòa án Tối cao cùng với việc phê chuẩn Hiến pháp Nhật Bản mới.[43][44] Những hạn chế này được nới lỏng hơn nữa vào năm 1948, khi nhân dân được phép treo quốc kỳ vào những dịp quốc lễ. Đến tháng 1 năm 1949, những hạn chế bị bãi bỏ và bất cứ ai cũng có thể treo Hinomaru vào bất kỳ thời gian nào mà không cần sự cho phép. Kết quả là cho đến đầu thập niên 1950, các trường học và hộ gia đình được khuyến khích treo Hinomaru.[36]

Sau chiến tranh đến 1999

Hinomaru được kéo lên tại trụ sở Liên Hiệp Quốcthành phố New York, năm 1956.

Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, quốc kỳ Nhật Bản bị phê phán do có liên hệ với quá khứ quân phiệt của quốc gia. Sự phản đối tương tự cũng dành cho quốc ca của Nhật Bản là Kimigayo.[16] Cảm nghĩ về Hinomaru và Kimigayo nhìn chung biến đổi từ một cảm giác ái quốc về "Đại Nhật Bản" sang một nước Nhật hòa bình và chống quân phiệt. Do biến đổi về tư tưởng này, quốc kỳ được sử dụng ít thường xuyên tại Nhật Bản từ sau chiến tranh, mặc dù những hạn chế bị bãi bỏ vào năm 1949.[37][45]

Do Nhật Bản bắt đầu tái lập quan hệ ngoại giao với các nước, Hinomaru được sử dụng như một công cụ chính trị tại nước ngoài. Trong một chuyến công du của Thiên hoàng HirohitoHoàng hậu Kōjun đến Hà Lan, một số công dân Hà Lan đốt Hinomaru yêu cầu Thiên hoàng về nước và phải xét xử vấn đề tù binh chiến tranh người Hà Lan bị sát hại trong Thế chiến II.[46] Ở trong nước, Hinomaru không được sử dụng trong hoạt động kháng nghị một hiệp định địa vị quân đồn trú mới được Hoa Kỳ và Nhật Bản đang đàm phán. Lá cờ được sử dụng phổ biến bởi công đoàn và những người kháng nghị khác là cờ đỏ.[47]

Hinomaru và quốc ca lại gặp phải vấn đề mới khi Tokyo đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1964. Trước Thế vận hội, kích cỡ của hình mặt trời trên quốc kỳ được cải biến một phần là do hình mặt trời không nổi bật khi trưng cùng những quốc kỳ khác.[37] Chuyên gia về màu sắc Tadamasa Fukiura chọn đặt hình tròn mặt trời chiếm 2/3 chiều cao của quốc kỳ. Fukiura lựa chọn màu sắc cho cờ trong Thế vận hội năm 1964 cũng như trong Thế vận hội Mùa đông 1998 tại Nagano.[48]

Năm 1989, Thiên hoàng Hirohito băng hà, sự kiện này lại làm nổi lên vấn đề tinh thần của quốc kỳ. Phe bảo thủ cho rằng nếu quốc kỳ có thể được sử dụng trong tang lễ mà không khơi lại nỗi đau thương cũ, họ có thể có cơ hội đề xuất Hinomaru trở thành quốc kỳ mà không bị thách thức về mặt ý nghĩa của nó.[49] Trong tang kỳ chính thức kéo dài sáu ngày trên toàn Nhật Bản, các lá quốc kỳ được treo rủ hoặc bọc trong dải màu đen.[50] Mặc dù có những báo cáo về việc những người kháng nghị phá hoại Hinomaru trong ngày an táng Thiên hoàng,[51] song việc các trường học treo Hinomaru rủ mà không bị hạn chế giúp đem đến thắng lợi cho phe bảo thủ.[49]

Từ năm 1999 đến nay

Đạo luật về Quốc kỳ và Quốc ca xuất hiện trên tờ Công báo ngày 15 tháng 8 năm 1999

Đạo luật về Quốc kỳ và Quốc ca được thông qua vào năm 1999, Hinomaru và Kimigayo được chọn thành những biểu tượng quốc gia của Nhật Bản. Việc thông qua luật này bắt nguồn từ một vụ tự tử của hiệu trưởng trường trung học Sera (ja) ở Sera, Hiroshima, Toshihiro Ishikawa, ông đã không thể giải quyết được tranh chấp giữa hội đồng trường và giáo viên của ông về việc sử dụng Hinomaru và Kimigayo.[52][53] Đạo luật này là một trong những luật gây tranh cãi nhiều nhất trong Quốc hội kể từ khi thông qua "Luật về hiệp lực với các hoạt động duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc" vào năm 1992.[54]

Thủ tướng Obuchi Keizō của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã quyết định soạn thảo bộ luật để biến Hinomaru và Kimigayo thành biểu tượng chính thức của Nhật Bản vào năm 2000. Bộ trưởng Nội các của ông, Hiromu Nonaka, muốn bộ luật hoàn thành vào dịp kỷ niệm 10 năm hoàng đế Akihito lên ngôi.[55] Đây không phải là lần đầu tiên mà pháp luật xem xét nhằm thiết lập cả hai biểu tượng trở thành biểu tượng chính thức. Năm 1974, sau bối cảnh trở lại chủ quyền Nhật của Okinawa vào năm 1972 và cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, Thủ tướng Tanaka Kakuei nói ẩn ý về một đạo luật sẽ được thông qua bao gồm hai biểu tượng trong luật pháp Nhật Bản.[56] Ngoài việc hướng dẫn các trường dạy và hát Kimigayo, Tanaka muốn học sinh treo cờ Hinomaru trong lễ mỗi buổi sáng, và áp dụng một giáo trình dạy đạo đức dựa trên Bản trích dẫn Hoàng gia về Giáo dục do Thiên hoàng Minh Trị đưa ra vào năm 1890.[57] Tanaka đã không thành công trong việc thông qua bộ luật trong quốc hội vào năm đó.[58]

Những nhóm ủng hộ chính của dự luật là LDP và Đảng Công Minh (CGP), trong khi phe đối lập bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SDPJ) và Đảng Cộng sản (JCP), họ đã phản đối vì ý nghĩa cả hai biểu tượng trong thời kỳ chiến tranh. CPJ tiếp tục phản đối vì không cho phép vấn đề được quyết định bởi công chúng. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) không thể thúc đẩy sự đồng thuận trong đảng về vấn đề này. Chủ tịch DPJ và là thủ tướng tương lai của Nhật Kan Naoto tuyên bố DPJ buộc phải ủng hộ dự luật vì DPJ đã công nhận cả hai biểu tượng này là biểu tượng của Nhật Bản.[59] Phó tổng thư ký và thủ tướng tương lai Hatoyama Yukio hiểu rằng dự luật này sẽ gây ra một sự chia rẽ hơn nữa trong xã hội và trong các trường công lập. Hatoyama đã bỏ phiếu cho dự luật trong khi Kan bỏ phiếu chống lại.[55]

Trước khi tiến hành bỏ phiếu, đã có những lời kêu gọi tách đôi bộ luật tại Quốc hội. Giáo sư Đại học Waseda, Norihiro Kato tuyên bố Kimigayo là một vấn đề riêng biệt phức tạp hơn cờ Hinomaru.[60] Nỗ lực chỉ định Hinomaru là quốc kỳ của DPJ, và của các bên khác trong cuộc bỏ phiếu cho dự luật đã bị Quốc hội từ chối.[61] Hạ viện đã thông qua dự luật vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, với số phiếu thuận 86 trên 403.[62] Dự luật đã được gửi đến Hạ viện vào ngày 28 tháng 7 và được thông qua vào ngày 9 tháng 8. Nó đã được ban hành thành luật vào ngày 13 tháng 8.[63]

Vào ngày 8 tháng 8 năm 2009, một bức ảnh được chụp tại một cuộc biểu tình của DPJ trong Tổng tuyển cử Nhật Bản năm 2009 cho thấy một biểu ngữ được treo trên trần nhà. Biểu ngữ làm bằng hai lá cờ Hinomaru được cắt và khâu lại với nhau để tạo thành hình dạng của logo DPJ. Điều này gây phẫn nộ cho LDP và Thủ tướng Asō Tarō, họ nói đây là hành động không thể tha thứ. Đáp lại, Chủ tịch DPJ Yukio Hatoyama (người đã bỏ phiếu cho Luật về Quốc kỳ và Quốc ca)[55] nói rằng biểu ngữ không phải là Hinomaru và không nên xem như vậy.[64]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quốc_kỳ_Nhật_Bản http://www.pmo.gov.bd/pmolib/legalms/pdf/national-... http://www.asahi.com/ajw/articles/AJ201810060024.h... http://hk.crntt.com/doc/1001/8/7/6/100187601.html?... http://duncansensei.com/2015/03/hachimaki-japanese... http://sankei.jp.msn.com/life/trend/090830/trd0908... http://homepage1.nifty.com/gyouseinet/kenpou/koush... http://homepage2.nifty.com/captysd/yomoyama/syomet... http://www.pantone.com/pages/pantone/colorfinder.a... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.47news.jp/CN/200211/CN2002112601000363....